Nhờ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các ngân hàng đang chạy đua để giúp khách hàng có thể giao dịch từ gửi tiền, cho vay online, mở thẻ… mọi lúc mọi nơi và không cần giấy tờ.
Ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cho biết nhiều ngân hàng đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đây là cơ sở quan trọng để các ngân hàng cung cấp thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng được tốt hơn.
Thông qua việc định danh điện tử xác thực người dùng trên mạng, các ngân hàng có thể cho vay online, phát hành thẻ… nhanh nhất có thể khi có đầy đủ thông tin chính xác về khách hàng như nghề nghiệp, nơi ở, địa chỉ thường trú…
Chỉ cần chữ ký và chọn dịch vụ
Nhờ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ông Tô Đình Tơn, phó tổng giám đốc Agribank, cho hay ngân hàng này dự kiến sẽ triển khai ứng dụng căn cước công dân gắn chip vào hoạt động giao dịch trong tháng 6 này.
Khách hàng đến Agribank giao dịch chỉ cần chọn dịch vụ và ký duy nhất chữ ký mà không cần viết hay điền bất kỳ thông tin gì bằng tay.
Các dịch vụ từ mở tài khoản, phát hành thẻ, đăng ký dịch vụ Agribank E-Mobile banking, cho đến vay vốn hay nộp tiền vào tài khoản… đều được thực hiện rất nhanh chóng, an toàn.
“Trước đây, với phương thức giao dịch truyền thống, thời gian thực hiện trung bình khoảng 20 – 25 phút, nay khách hàng chỉ mất 4-5 phút để hoàn tất giao dịch.
Hơn nữa, những khách hàng đã đăng ký thông tin sinh trắc học, với những lần giao dịch sau tại quầy hoặc tại Agribank Digital/CDM… sẽ không cần dùng thẻ vật lý hay bất kỳ loại giấy tờ nào.
Thiết bị của ngân hàng sẽ nhận diện khách bằng khuôn mặt, vân tay… giúp chúng tôi nâng chất lượng dịch vụ để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất” – ông Tơn nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện HDBank cho biết với việc xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư, ngân hàng này là một trong những ngân hàng thương mại đầu tiên tại VN triển khai công nghệ eKYC định danh điện tử để mở tài khoản cho khách hàng.
“Với ngân hàng, số hóa giúp giảm thiểu rủi ro vận hành và tối ưu quy trình. Tại HDBank, việc tích hợp và khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư còn gắn với chiến lược đầu tư cho big data phân tích và thẩm định khách hàng, để thiết kế những sản phẩm và dịch vụ phù hợp hơn, phân luồng khách hàng trong phục vụ, hỗ trợ giảm thiểu quy trình tín dụng… theo hướng tự động và số hóa các quy trình”, đại diện HDBank cho biết.
Cũng theo vị này, dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là tài nguyên số để HDBank thúc đẩy số hóa các dịch vụ tài chính công như trong lĩnh vực thuế, y tế, giáo dục và đào tạo, như thu chi hộ, cho vay hỗ trợ học sinh sinh viên đóng học phí, thanh toán viện phí qua thấu chi hoặc tích hợp dịch vụ thẻ tín dụng…
Cấp tín dụng chỉ trong vài phút
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, phó tổng giám đốc Vietcombank, cho hay việc kết nối giữa ngân hàng và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ hội cho các tổ chức tín dụng, trong đó có Vietcombank thúc đẩy hoạt động cấp tín dụng điện tử.
Với phương thức cấp tín dụng truyền thống, người vay phải mất nhiều thời gian để thu thập giấy tờ, nên có không ít người ngại vay vốn tín dụng mà lại tìm vay tín dụng “đen”.
Trong thực tế, thời gian qua một số ngân hàng đã cho vay online nhưng vẫn còn thận trọng do chưa có công cụ để định danh khách hàng một cách chính xác. Vấn đề thu hồi nợ còn nhiều khó khăn do dữ liệu khách hàng chưa được cập nhật
Do đó, việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cùng cơ chế thẩm định phê duyệt tự động là cơ hội rất tốt cho các ngân hàng thương mại giải quyết các hạn chế nêu trên.
Khách hàng cũng có thể tiếp cận tín dụng ngân hàng nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Trên cơ sở đồng ý của khách hàng, ngân hàng này đang thí điểm kết nối và nghiên cứu hai giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Một là xác thực định danh khách hàng qua VNeID. Hai là ứng dụng mô hình chấm điểm tín dụng công dân. Đây là cơ sở để Vietcombank tham khảo trong thẩm định/phê duyệt các khoản vay tiêu dùng nhỏ qua mạng.
Cùng với việc kết nối với nguồn dữ liệu khác như giao dịch của khách hàng, trả lương thông qua tài khoản tại ngân hàng, lịch sử tín dụng…, ngân hàng này cho vay, phát hành thẻ tín dụng hoàn toàn qua mạng.
Khách hàng không phải đến các điểm giao dịch của ngân hàng và điền vào các hồ sơ/giấy tờ như trước đây nữa mà chỉ đăng nhập vào app của ngân hàng.
“Giao dịch mọi lúc, mọi nơi thông qua điện thoại di động kết nối Internet, không phụ thuộc vào giờ đóng/mở cửa của ngân hàng. Đồng thời khách hàng còn tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất thấp”, một lãnh đạo của ngân hàng này thông tin.
Phục vụ khách hàng tốt hơn nhờ AI
Ông Hoàng Trọng Hiếu, giám đốc cao cấp phát triển kinh doanh khối khách hàng doanh nghiệp Techcombank, cho biết việc chuyển đổi số cho khách hàng doanh nghiệp cũng không kém phần “sôi động” so với khách hàng cá nhân.
“Nhờ việc số hóa tất cả các giao dịch tài chính ngân hàng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể an tâm sử dụng các dịch vụ tiện lợi, bảo mật và được thiết kế mang tính cá nhân hóa cao.
Đơn cử như việc Techcombank đã đầu tư thời gian và nhân lực để số hóa một bộ hồ sơ thanh toán quốc tế hoặc quy trình đăng ký khoản vay, bao gồm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn “backlog” (tính năng) cần phát triển”, ông Hiếu cho biết.
Thời gian tới, ngân hàng sẽ có những đầu tư mạnh mẽ để phát triển công nghệ hướng đến mục tiêu số hóa toàn bộ các giải pháp tài chính ngân hàng cho doanh nghiệp, kể cả những giải pháp phức tạp như L/C, tài trợ chuỗi cung ứng…
Trong khi đó, với giải pháp AI BOT (hỗ trợ tài khoản trực tuyến thế hệ mới), chỉ trong tuần đầu tiên ra mắt giai đoạn 1 trong năm 2022, hệ thống AI BOT của ACB đã hỗ trợ gần 4.000 lượt tương tác với khách hàng mỗi ngày.
Đến nay, mỗi tháng có hơn 12.000 lượt chat, chiếm hơn 50% số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tài khoản trực tuyến có sự hỗ trợ của BOT.
Trong năm 2023, với 224 nghiệp vụ được hỗ trợ thông qua AI chat bot, ACB dự kiến hỗ trợ lên tới 8,5 triệu lượt khách hàng tới năm 2024 – là tiền đề quan trọng cho việc chuyển dịch toàn bộ hoạt động hỗ trợ khách hàng lên kênh số.
“AI nói chung và AI BOT nói riêng là một xu hướng tất yếu đối với các hoạt động kinh tế tài chính xã hội của con người, trong đó có ngân hàng.
Với năng lực tài chính mạnh và quyết tâm cao, ACB đang nỗ lực để dẫn đầu trong việc ứng dụng AI vào các hoạt động chuyển đổi số, giúp gia tăng năng lực phục vụ khách hàng, mở rộng phạm vi phục vụ khách hàng với khối lượng lớn”, đại diện ACB cho biết.
Thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến
Nghiên cứu mới nhất về thái độ thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam vừa được Visa công bố cho thấy thanh toán kỹ thuật số tiếp tục trở nên phổ biến với người tiêu dùng tại Việt Nam.
Trong 3 tháng đầu năm, dữ liệu của mạng lưới VisaNet cho thấy tổng giá trị giao dịch thanh toán trên thẻ Visa tại Việt Nam đã tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái và thanh toán trực tuyến cũng tăng trưởng mạnh. Doanh số thanh toán xuyên biên giới cũng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
“Để tiếp tục hỗ trợ người tiêu dùng và cùng hướng tới một tương lai kỹ thuật số, Visa tự hào đồng hành cùng chuỗi sự kiện Ngày Không tiền mặt 16-6 hằng năm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và báo Tuổi Trẻ tổ chức, nhằm xây dựng nên một xã hội không tiền mặt, thông qua thúc đẩy thanh toán số an toàn, thuận tiện cho tất cả mọi người, đúng với mục tiêu và cam kết của Visa” – bà Đặng Tuyết Dung, giám đốc Visa Việt Nam và Lào, chia sẻ
NGuồn: tuoitre.vn